Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định số 22).

06/12/2023 14:54

Chiều 12/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định số 22).

Tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu huyện Phúc Thọ gồm các đồng chí Lãnh đạo NHCSXH, Các đồng chí lãnh đạo Công an huyện Phúc Thọ cùng các đồng chí Chủ tịch UBND, trưởng công an các xã thị trấn trên địa bàn huyện .

 

ảnh ngân hàng chính sách xã hội.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nội.

Căn cứ Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tùTheo đó, ngày 24/9/2023 Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã ban hành văn bản số 7557/NHCS-TDSV Hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phúc Thọ triển khai tóm tắt một số nội dung chính như sau:

1.  Đối tượng và điều kiện vay vốn

1.1. Đối tượng vay vốn

a) Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá.

b) Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nhiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

1.2. Điều kiện vay vốn

a) Đối với người chấp hành xong án phạt tù: có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận theo Mẫu số 01 kèm theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm.

b) Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm a khoản này và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận theo Mẫu số 02 kèm theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

1.3 Người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định tại khoản 1.1 và khoản 1.2 phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật.

2. Nguyên tắc vay vốn

- Khách hàng phải sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay.

- Khách hàng phải trả nợ cả gốc và lãi đúng hạn theo thỏa thuận với NHCSXH trên Hợp đồng tín dụng/Sổ vay vốn đã ký.

3. Mục đích sử dụng vốn vay

3.1 Đối với vay vốn để đào tạo nghề

Chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm: Tiền học phí; chi phí mua sách vỡ, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại.

3.2 Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm

Chi phí để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm gồm chi phí cho việc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

4. Phương thức cho vay

4.1 Đối với người chấp hành xong án phạt tù

a) Thực hiện phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (sau đây gọi chung là người đứng tên vay vốn).

b) Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

4.2 Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh

Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.

5. Mức vốn cho vay

5.1 Đối với vay vốn để đào tạo nghề

Mức cho vay tối đa là 04 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.

5.2 Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm

a) Người chấp hành xong án phạt tù: Mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù;

b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

6. Lãi suất cho vay

- Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo quy định từng thời kỳ.

- Lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

7. Thời hạn cho vay

7.1 Đối với vay vốn để đào tạo nghề

a) Thời gian cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày người đứng tên vay vốn bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Thời hạn cho vay gồm thời hạn phát tiền vay và thời hạn trả nợ.

b) Thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày người đứng tên vay vốn nhận món vay đầu tiên cho đến ngày người chấp hành xong án phạt tù kết thúc khóa học, kể cả thời gian người chấp hành xong án phạt tù được các cơ sở đào tạo nghề cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có).

c) Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định, như sau:

Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 02 lần thời hạn phát tiền vay.

Đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.

7.2 Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm

Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng. Thời hạn cho vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, quyết định trên cơ sở căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của người đứng tên vay vốn/cơ sở sản xuất kinh doanh để thỏa thuận với người đứng tên vay vốn/cơ sở sản xuất kinh doanh.

8. Bảo đảm tiền vay

- Người chấp hành xong án phạt tù vay vốn đào tạo nghề và vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

- Cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật và Ngân hàng Chính sách xã hội để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay vốn.

9. Nguồn vốn cho vay

- Nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay.

- Ngân hàng Chính sách xã hội huy động, được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý theo quy định.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

10. Hồ sơ vay vốn

Hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội.

11. Hiệu lực thi hành

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 10 năm 2023.

Mọi chi tiết xin liên hệ: Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội.

Địa chỉ: Tổ dân phố 2 – Thị Trấn Phúc Thọ - Huyện Phúc Thọ – TP Hà Nội

Số điện thoại Hotline: 0886369247